Hàm duy trì là thiết bị tuỳ chỉnh được thiết kế để giữ răng của bạn ở đúng vị trí sau khi tháo bỏ niềng răng. Có bao nhiêu loại hàm duy trì? Có phải ai cũng cần đeo hàm duy trì sau khi niềng răng hay không? Các thắc mắc liên quan đến việc đeo hàm duy trì sau khi niềng răng sẽ được giải đáp bởi Nha Khoa Thuý Đức trong bài viết sau.
Mục lục
Hàm duy trì là gì?
Sau quá trình đeo niềng răng dài ngày, bạn có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về hình dáng hàm răng khi nhìn bằng mắt thường, các răng đã được điều chỉnh, sắp xếp tại vị trí mới trông đều đẹp, thẳng hàng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, phần chân răng có thể chưa chắc chắn cố định ở vị trí mới do lúc này, răng và lợi còn rất nhạy cảm, mô xương răng và mô mềm chưa được tái tạo đủ để giữ răng ổn định.
Hàm duy trì là dụng cụ nha khoa chuyên dụng được thiết kế dựa trên dấu răng của bạn sau khi tháo niềng răng. Hàm duy trì được bác sĩ chỉ định đeo trên răng trong một thời gian nhất định để giữ răng vững vàng, chắc chắn trong sự sắp xếp mới, chống lại những xô lệch và tái phát của răng khi dịch chuyển về vị trí cũ.
Hàm duy trì có những lựa chọn nào?
Có rất nhiều lựa chọn hàm duy trì cho bạn, bao gồm hàm duy trì cố định và hàm duy trì tháo lắp.
Hàm duy trì cố định
Hàm duy trì giúp cố định răng bằng dây thép có thể ở dạng trơn hoặc xoắn, chúng được gắn cố định bằng composite vào mặt sau của các răng trước, thường là các răng số 1,2,3.
Đặc điểm của hàm duy trì cố định đúng như tên gọi của nó, bạn không thể tự tháo rời hàm duy trì mà cần đến bác sĩ nha khoa. Chính vì cố định trên răng nên loại hàm duy trì này có hiệu quả duy trì ổn định răng rất cao. Tuy nhiên, việc vệ sinh chăm sóc răng miệng cũng có thể khó khăn hơn so với loại hàm duy trì tháo lắp được.
Hơn nữa, do được gắn trên bề mặt răng bằng vật liệu composite nên hàm duy trì cố định cũng có thể bị bong khỏi răng nếu ăn nhai quá mạnh. Khi xảy ra tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để gắn lại chúng kịp thời.
Hàm duy trì cố định ở mặt trong của răng nên việc vệ sinh sạch sẽ răng miệng và hàm duy trì là cực kỳ quan trọng và bạn cần thực hiện việc đó thật kỹ lưỡng không khác gì khi đeo niềng răng.
Hàm duy trì tháo lắp
Hàm duy trì tháo lắp thường gồm có hai loại: hàm duy trì hawley và hàm duy trì trong suốt.
Hàm duy trì Hawley
Đây là khí cụ cố định răng dạng móc kim loại được thiết kế bằng hệ thống dây cung móc hàm tại răng cối và nẹp các răng trước bằng phần kim loại gắn từ phía răng nanh bên này sang răng nanh bên kia để cố định răng. Các đầu móc kim loại được gắn vào phần nhựa acrylic ôm sát phần khẩu cái hoặc mặt dưới của lưỡi.
Hàm duy trì hawley có đặc điểm là có hiệu quả giữ răng ổn định tốt, đồng thời giúp duy trì điều chỉnh khớp cắn, có thể sử dụng được cho cả hàm trên và hàm dưới.
Loại hàm duy trì này khá bền và chắc chắn, ít bị bong trong quá trình sử dụng.
Vì là hàm tháo lắp nên bạn có thể dễ dàng tháo bỏ chúng trước khi ăn hoặc khi cần vệ sinh răng miệng.
Hàm duy trì hawley yêu cầu kỹ thuật chế tác tỉ mỉ, phù hợp với khuôn răng và khớp cắn hiện tại để đảm bảo hiệu quả duy trì răng sau khi niềng. Chính vì vậy, giá thành của hàm duy trì hawley thường cao hơn hàm duy trì cố định.
Hàm duy trì hawley có thể gây cảm giác hơi vướng khi mới đeo và một số trường hợp chúng có thể làm thay đổi phát âm của bạn.
Hàm duy trì trong suốt
Hàm duy trì trong suốt là việc đeo các khay nhựa trong được thiết kế riêng biệt cho hàm răng của bạn, chúng vừa khít, ôm chặt các răng để cố định dần các răng vào vị trí mới trên hàm. Nếu trước đó bạn đã đeo niềng răng trong suốt thì việc đeo hàm duy trì bằng nhựa trong cũng không có nhiều khác biệt. Hàm duy trì trong suốt đảm bảo tính thẩm mỹ cho hàm răng của bạn, đồng thời có thể tháo lắp dễ dàng và tiện dụng.
Hướng dẫn đeo hàm duy trì sau khi niềng răng
Bạn cần đeo hàm duy trì trong thời gian bao lâu?
Thời gian đeo hàm duy trì phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ chỉnh nha cho trường hợp cụ thể của bạn.
Đối với các ca niềng răng thông thường cho đối tượng người trưởng thành, thời gian phục hồi và tái tạo của các mô lâu hơn thì cần đeo hàm duy trì trung bình khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, các ca niềng răng nhẹ hoặc tốc độ hồi phục răng được bác sĩ đánh giá cao thì thời gian đeo niềng có thể rút xuống khoảng 3 – 6 tháng.
Theo Hiệp hội các nhà chỉnh nha Canada, nguyên tắc điển hình đối với hàm duy trì dạng tháo lắp là nên đeo nó toàn thời gian, chỉ trừ lúc ăn uống và vệ sinh răng miệng, trong 4 đến 6 tháng đầu tiên sau khi niềng răng của bạn được tháo ra.
Một số trường hợp có cấu trúc răng và lợi quá yếu có thể nhận chỉ định đeo hàm duy trì vĩnh viễn để đảm bảo kết quả niềng răng.
Trẻ em sau khi tháo niềng răng có thể phải đeo hàm duy trì đến tuổi trưởng thành, khi các răng không còn biến đổi và ổn định về hình dạng và cấu trúc.
Hàm duy trì tháo lắp cần đeo bao lâu một ngày?
Thời gian đeo hàm duy trì trong ngày cũng phụ thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ chỉnh nha. Hàm duy trì cố định được gắn chặt lên răng nên bạn sẽ sử dụng chúng đến khi bác sĩ yêu cầu tháo bỏ.
Đối với trường hợp hàm duy trì tháo lắp, thông thường, trong vòng 1 – 2 tháng đầu, đối với hàm duy trì tháo lắp, bạn cần đeo chúng cả ngày, trừ lúc ăn nhai và vệ sinh răng miệng. Về sau, thời gian đeo hàm duy trì có thể giảm dần, bạn có thể chỉ cần đeo vào ban đêm khi ngủ hoặc đeo 3 – 4 ngày/tuần.
Việc thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn đeo hàm duy trì từ bác sĩ là điều tối quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàm răng của bạn sau niềng, giảm tối đa nguy cơ răng bị chạy lại vị trí ban đầu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn không đeo hàm duy trì hoặc đeo không đúng cách?
Niềng răng là quá trình tác dụng lực đều đặn có chủ đích khiến răng di chuyển theo lộ trình được vạch sẵn thông qua các khí cụ niềng răng. Sau khi tháo bỏ niềng răng, các răng của bạn vẫn chưa thật sự thích nghi tại vị trí mới. Nếu không có hàm duy trì giữ chúng lại, qua quá trình ăn, nhai, răng, xương hàm phải hoạt động nhiều, theo quán tính răng rất dễ di chuyển về vị trí cũ, và công sức niềng răng của bạn dường như “bỏ sông bỏ bể”.
Chính vì vậy, đeo hàm duy trì gần như là bắt buộc đối với tất cả các trường hợp mới thảo bảo niềng răng. Dù cho bạn niềng răng mắc cài hay niềng răng trong suốt thì đều cần phải đeo hàm duy trì trong một thời gian thích hợp.
Chỉ cần bạn bỏ qua bước đeo hàm duy trì sau chỉnh răng hoặc chủ quan, tự ý bỏ hàm duy trì quá sớm mà không có ý kiến của bác sĩ, kết quả niềng răng thất bại đã không còn là trách nhiệm của bác sĩ. Chắc hẳn việc bỏ thời gian đeo hàm duy trì trong một thời gian cần thiết sẽ đơn giản hơn việc phải đi niềng răng lại nếu như răng bị xô lệch trở lại.
Hỏi đáp: Quên đeo hàm duy trì 1 ngày có được không?
Cách vệ sinh hàm duy trì và hướng dẫn chăm sóc răng miệng khi đeo hàm duy trì
Vệ sinh hàm duy trì tháo lắp
- Bạn có thể tháo rời hàm duy trì loại móc kim loại hawley hoặc khay nhựa trong suốt chỉ với tay của mình.
- Trước khi ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng, bạn có thể tháo hàm duy trì để xử lý cho thuận tiện.
- Hàm duy trì nên được vệ sinh hằng ngày giống như răng miệng của bạn vậy. Nên ngâm và rửa thật sạch chúng bằng nước sạch hoặc nước ấm sẽ tốt hơn.
- Bạn cũng có thể dùng bàn chải để cọ rửa khay nhựa ở các mặt bên trong và bên ngoài. Lưu ý không dùng nước quá nóng để vệ sinh hàm duy trì trong suốt bởi nó có thể bị biến dạng
- Vệ sinh hộp hoặc khay đựng hàm duy trì với xà phòng để đảm bảo vệ sinh vì hàm duy trì được sử dụng trực tiếp trong khoang miệng của bạn.
Lưu ý chăm sóc răng sau khi niềng răng và khi đeo hàm duy trì
- Vệ sinh hàm duy trì thường xuyên là một trong những lưu ý chăm sóc răng miệng sau khi tháo niềng và đeo hàm duy trì.
- Chăm sóc răng miệng sau khi niềng răng và khi đang đeo hàm duy trì đòi hỏi bạn sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng không khác gì lúc còn đeo niềng răng.
- Mục đích của việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng là phòng ngừa các vấn đề phát sinh như bệnh lý răng miệng có thể ảnh hưởng đến kết quả niềng răng của bạn.
Chải răng đúng cách
Các chuyên gia nha khoa khuyên bạn duy trì thói quen đánh răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Đặc biệt khi bạn đang đeo hàm duy trì, có thể đánh răng ngay sau mỗi bữa ăn trong ngày.
Nên sử dụng bàn chải có lông mềm. Chải răng thật kỹ từ lên xuống và xoáy tròn trên bề mặt răng. Đối với hàm duy trì cố định ở mặt trong của răng, hãy đảm bảo nghiêng bàn chải đánh răng của bạn theo chiều dọc cũng như chiều ngang để loại bỏ mọi mảng bám tích tụ hoặc các mảnh thức ăn xung quanh khay giữ cố định của bạn.
Dùng tăm chỉ nha khoa
Tăm chỉ nha khoa là một dụng cụ hữu hiệu để lấy đi thức ăn thừa xót lại trên kẽ răng và hàm duy trì. Hãy sử dụng tăm chỉ nha khoa thường xuyên sau khi mỗi bữa ăn kết hợp với súc miệng thật kỹ.
Bạn có thể súc miệng với nước sạch hoặc nước muối pha loãng hay nước súc miệng nha khoa chuyên dụng để làm sạch cả khoang miệng, phòng ngừa hôi miệng khi đeo niềng răng hoặc hàm duy trì.
Các dụng cụ vệ sinh răng miệng hiệu quả khác
Tăm nước hay bàn chải điện là các dụng cụ làm sạch răng hiện đại, đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Tăm nước hay bàn chải điện đều giúp làm sạch sâu ở các vị trí mà bàn chải thường khó có thể chạm tới nhất.
Vấn đề ăn uống khi đeo hàm duy trì
Chế độ ăn uống góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện và ổn định răng sau khi tháo niềng. Nếu cơ thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết, nướu và răng sẽ nhanh chóng hồi phục và ổn định, răng sẽ được cố định chắc chắn tại vị trí mới và ngăn ngừa hiện tượng răng dịch chuyển trở lại. Từ đó, thời gian cần phải đeo hàm duy trì của bạn có thể được rút ngắn lại.
Khi ăn uống, bạn nên lưu ý hạn chế ăn những loại thực phẩm quá cứng hoặc quá dai, dính. Những loại thức ăn này có thể khiến niềng răng hoặc hàm duy trì bị tác động, xô lệch hoặc bong khỏi răng, khiến bạn mất thời gian phải đi nha khoa để điều chỉnh lại.
Nhìn chung, việc đeo hàm duy trì là nỗ lực về đích trong quá trình chỉnh nha của bạn, hãy kiên trì và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chỉnh nha để có một kết quả niềng răng mỹ mãn. Hy vọng các thông tin về hàm duy trì sau khi niềng răng được nêu ở trên có thể giúp ích cho bạn để chăm sóc tốt nhất cho hàm răng của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi nào liên quan đến chỉnh nha nói riêng hoặc chăm sóc răng miệng nói chung, hãy liên hệ với chúng tôi- Nha Khoa Thuý Đức luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ bạn.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!