Nhiệt miệng là tình trạng mà nhiều người gặp phải, tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến rất nhiều người khó chịu nhất là lúc ăn uống hoặc nói chuyện. Cũng chính vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân để có cách phòng tránh hiệu quả là điều được rất nhiều người quan tâm. Trong bài viết này, cùng chúng tôi tìm hiểu những nguyên nhân nhiệt miệng và phòng tránh như thế nào nhé!
Mục lục
Nhiệt miệng là tình trạng tổn thương niêm mạc miệng dẫn đến viêm nhiễm và hình thành các vết loét trong môi trường miệng và nước bọt. Nhiệt miệng gây nhiều đau đớn, khó chịu, khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống và dài ngày.
Nhìn bên ngoài, nhiệt miệng là những đốm trắng nhỏ, hơi nổi lên trong niêm mạc miệng. Tuy nhiên sau đó vết loét có thể lan rộng tạo thành ổ kéo dài. Hầu hết mọi người bị nhiệt miệng với những vết loét nông, kích thước từ 1 – 2 mm thường tập trung ở vùng lợi, má trong hoặc lưỡi.
Tình trạng nhiệt miệng có thể kéo dài từ 1 – 2 tuần thậm chí kéo dài hơn ở một số người. Nhiệt miệng có nhiều nguyên nhân, đó có thể là những tác động bên ngoài và cũng có những yếu tố từ bên trong cơ thể.
Vậy đó là những nguyên nhân nào? Nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng tương đối nhiều và cũng rất khó để xác định được đâu là nguyên nhân chính xác.
Trong đó, các nguyên nhân chính dẫn đến nhiệt miệng có thể kể đến như sau:
Chế độ ăn uống
Theo quan niệm dân gian khi bạn ăn quá nhiều các món ăn cay nóng hay các món có tính nóng đều có thể dẫn đến nhiệt miệng. Trong trường hợp này, nhiệt miệng thường kèm với khô môi, đỏ lưỡi nên khiến người bị tương đối khó chịu. Bên cạnh đó, những món ăn nhiều chất béo, dầu mỡ nếu được cơ thể nạp vào quá nhiều cũng có thể gây nhiệt miệng.
Vậy tại sao các món cay nóng lại là nguyên nhân gây nhiệt miệng? Đó là do các món ăn này có thể gây kích ứng niêm mạc miệng bằng cách làm tăng lưu lượng máu đến khu vực miệng, dẫn đến sưng, đỏ và đau nướu. Với một số người những món ăn này còn gây bỏng miệng ở mức độ nhẹ.
Thêm một nguyên nhân nữa, khi chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, folate (axit folic) hoặc sắt cũng có thể dẫn đến tình trạng nhiệt miệng. Đặc biệt đối với những người thường xuyên bị nhiệt miệng thì cần chú ý đến chế độ ăn của mình xem có thiếu các chất kể trên không.
Ngoài ra, việc thường xuyên tiêu thụ những món ăn cay, nóng cũng có thể dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và là nguyên nhân gây nhiệt miệng.
Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều ớt, nhiều hạt tiêu hoặc các món chiên rán giàu chất béo động vật. Thay vào đó, bạn nên bổ sung thêm nhiều rau củ, hoa quả hoặc các món ăn tính mát vào thực đơn hàng ngày của mình.
Ngoài ra, bạn nên uống đủ nước (tùy thuộc vào thể trạng mỗi người mà lượng nước cần nạp là khác nhau) trong một ngày để cơ thể được đào thải tốt hơn, tránh tích tụ độc tố.
Các va chạm vật lý
Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng nhiệt miệng. Nếu bạn để ý kỹ thì có thể dễ dàng nhận thấy sau 1 – 2 ngày khi bạn vô tình cắn vào lưỡi hay má thì sẽ xuất hiện vết loét nhỏ và dần dần hình thành vết nhiệt miệng sau đó. Nguyên nhân là do khi có vết thương nhỏ trong miệng, các vi khuẩn sẽ nhanh chóng tấn công, gây viêm, loét trở thành vết nhiệt miệng như chúng ta vẫn thường thấy.
Không phải lần va chạm nhẹ nào cũng dẫn đến nhiệt miệng, nhưng bạn vẫn nên cẩn thận khi nói chuyện, khi nhai để tránh ảnh hưởng đến các mô mềm trong khoang miệng. Bên cạnh đó, nhưng chạm nhỏ như khi xỉa răng hay đánh răng cũng có thể dẫn đến nhiệt miệng, do đó bạn nên cẩn trọng hơn.
Các bệnh lý liên quan đến răng miệng
Một nguyên nhân khác dẫn đến nhiệt miệng đó là các bệnh lý liên quan đến răng miệng. Một số người thường không quan tâm đến nguyên nhân này nên thường để các dấu hiệu bệnh trở nên nặng hơn rồi mới điều trị. Khi đó, niêm mạc đã bị tổn thương, trở nên yếu ớt và dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, và cũng trở thành nguyên nhân gây nhiệt miệng.
Các bệnh lý khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên khi cơ thể mắc một số bệnh sau cũng có thể gây nên nhiệt ở miệng:
– Bị HIV/AIDS: Hệ miễn dịch bị suy giảm khiến dễ mắc các bệnh liên quan trong đó có nhiệt miệng.
– Chứng rối loạn tự miễn dịch Celiac do hấp thụ gluten khiến ruột non bị tổn thương, theo như ước tính tỷ lệ mắc bệnh này là 1/100.
– Bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng cũng là một nguyên nhân khiến người ta dễ bị nhiệt miệng, thậm chí bị nhiệt miệng tái lại nhiều lần rất khó chịu.
– Bệnh tự miễn Behcet, đây là căn bệnh rất hiếm gặp tuy nhiên nếu mắc phải sẽ gây viêm toàn thân kể cả vùng miệng.
– Nhiễm Helicobacter pylori, cùng loại vi khuẩn gây loét dạ dày.
Một số nguyên nhân khác
Nhiệt miệng đôi khi đến từ những nguyên nhân gián tiếp như khi cơ thể có sự thay đổi về nội tiết tố hay tâm sinh lý như:
– Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt
– Căng thẳng kéo dài do công việc, học tập: Tình trạng căng thẳng và mệt mỏi có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả nhiệt miệng.
– Do sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc dị ứng: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng miệng khô, tăng nguy cơ nhiệt miệng.
– Thuốc lá: Việc hút thuốc lá có thể làm khô niêm mạc miệng và tạo điều kiện cho nhiệt miệng.
Trên đây là những nguyên nhân được ghi nhận có liên quan đến tình trạng nhiệt miệng. Tùy thuộc vào thể trạng để xác định nguyên nhân từ đó có cách điều trị và phòng tránh. Nhiệt miệng thường tự khỏi sau một thời gian ngắn, bạn có thể sử dụng thêm thuốc bôi, thuốc uống chuyên dụng để vết loét nhanh dịu hơn.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy đau nhức nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không cho hiệu quả. Vì nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên nhiệt miệng có thể lây lan và tạo ra các vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hay bị lở miệng và vết lở có những dấu hiệu bất thường cũng cần được bác sĩ thăm khám và điều trị.