Khi niềng răng chúng ta thường được nhắc nhở nên có chế độ ăn phù hợp để không ảnh hưởng đến răng. Vậy niềng răng ăn gì? Có tiêu chí nhất định nào để chọn đồ ăn cho người niềng răng không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Tại sao cần chú ý vấn đề ăn uống khi niềng răng?
Niềng răng là phương pháp hữu hiệu để điều trị những sai lệch của răng bằng việc sử dụng các khí cụ kết hợp với lực siết kéo để tác động lên răng. Sau thời gian từ 1,5 đến 2 năm răng sẽ được nắn chỉnh về vị trí mới.
Niềng răng là khi các khí cụ sẽ được gắn trực tiếp lên răng nên các sinh hoạt bình thường liên quan đến răng trong đó có việc ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến khí cụ và hiệu quả chỉnh nha.
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị bung mắc cài, xô lệch dây cung hay rơi mắc cài do ăn đồ ăn không phù hợp nhất là các món ăn dai, cứng,… Một vài trường hợp khác gặp tình trạng ố vàng răng do hút thuốc là hay sử dụng nhiều thực phẩm có màu. Vì vậy, duy trì một chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với tình trạng là rất quan trọng.
Phần tiếp theo của bài viết cùng xem khi niềng răng ăn gì và không nên ăn gì nhé!
Niềng răng ăn gì?
Niềng răng nên ăn gì để không ảnh hưởng đến niềng răng mà lại vẫn đảm bảo dinh dưỡng? Theo các bác sĩ, bạn không cần kiêng nhiều loại thức ăn mà chỉ cần chú ý ăn uống hơn một chút và chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn. Bạn có thể ưu tiên lựa chọn những nhóm thực phẩm như sau:
Những món ăn mềm, xốp, ít sợi
Những món ăn này dễ nhai, không cần nhiều lực để nghiền nát nên không lo khiến răng bị đau hay ảnh hưởng đến các khí cụ.
Rau củ, hoa quả, nước ép hoa quả
Đặc biệt là hoa quả chín, các loại quả mọng thường mềm nên cũng rất dễ nhai. Hơn nữa, trong hoa quả tươi còn chứa rất nhiều loại vitamin tốt cho cơ thể. Để không bị nhàm chán, bạn có thể thử uống nước ép hoa quả hay sinh tố kết hợp giữa nhiều loại hoa quả với nhau.
Các món ăn từ trứng
Đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất tốt cho chúng ta, hơn nữa cũng rất chế biến, biến tấu thành nhiều món ăn ngon, từ các món ăn mặn hàng ngày cho đến các món tráng miệng, bánh ngọt,…
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Trong sữa có nhiều vitamin, sắt, magie,… tốt cho sự phát triển và nuôi dưỡng của cơ thể. Các món ăn, chế phẩm từ sữa cũng rất dễ mua và đa dạng như: sữa tươi, sữa chua, sữa chua hoa quả, pho-mát, bánh flan,… Những món ăn này đều rất mềm nên người niềng răng có thể thoải mái ăn mà không lo ảnh hưởng tới răng.
Món ăn được nấu chín mềm
Một vài loại thịt vốn rất dai như thịt gà, thịt bò nhưng khi được nấu chín mềm hay cắt nhỏ lại trở thành món ăn phù hợp với những người đang niềng. Do đó, việc chế biến như thế nào cũng rất quan trọng, kế đến là việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau dùng bữa.
Niềng răng không nên ăn gì?
Bên cạnh những món ăn kể trên, bạn nên hạn chế những món ăn dưới đây:
Những món ăn dai, cứng, nhiều sợi
Những món ăn này cần nhai nhiều, răng cần dùng lực mạnh mới nghiền nhỏ được. Trong những ngày mới niềng răng hay sau siết răng, bạn không nên ăn những món ăn như vậy vì càng làm tăng cảm giác khó chịu vướng víu.
Thực phẩm có màu
Tác nhân chính khiến răng bị biến đổi màu hay làm mắc cài sứ bị ố vàng rất mất thẩm mỹ. Sau thời gian niềng răng, nhiều người có nhu cầu tẩy trắng răng do răng bị xỉn màu, một phần nguyên nhân là do việc thường xuyên ăn các loại thực phẩm có nhiều màu, nhất là cà phê và thuốc lá.
– Đặc biệt, không nên kiêng quá nhiều loại thức ăn vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây hóp má.
Đọc thêm: 10 điều kiêng tránh bạn cần biết để không ảnh hưởng tới tiến độ chỉnh nha
Câu hỏi thường gặp
Ăn uống là một vấn đề luôn được rất nhiều người quan tâm nhất là khi mới bắt đầu niềng răng. Cùng xem câu hỏi nào được nhiều người quan tâm nhiều nhất được chúng tôi đề cập ngay dưới đây:
Niềng răng thì bao lâu ăn được cơm? Bao lâu có thể ăn uống bình thường trở lại?
Thực tế, cảm giác đau và khó chịu khi niềng răng không chỉ tồn tại ở thời điểm ban đầu khi bạn bắt đầu gắn mắc cài, dây cung hay đeo máng niềng răng. Những cơn đau niềng răng sẽ “quay trở lại” sau mỗi lần tinh chỉnh răng. Nhưng tình trạng đau ít hay nhiều, kéo dài bao lâu phụ thuộc vào việc bạn được “chỉnh sửa” những gì ở mỗi cuộc thăm khám định kỳ.
Thông thường, sau mỗi lần tái khám, bạn sẽ cảm thấy răng hơi đau nhức trong vòng 2- 3 ngày. Thời gian này, nếu như cảm thấy khó khăn trong việc ăn nhai thì hãy chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa.
Đối với một số người, sau các lần tái khám, với khả năng thích nghi nhanh chóng, họ không thấy khó khăn trong vấn đề ăn uống thì hoàn toàn có thể ăn cơm như bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm thấy vướng víu do chưa quen thì bạn có thể ăn cháo hoặc cơm nát một vài bữa ăn đầu sau niềng răng, sau đó, bắt đầu ăn cơm khi đã thấy ổn hơn.
Gợi ý: Thực đơn ăn uống trong tuần đầu niềng răng
Niềng răng ăn mì hay bánh cuốn được không?
Mì hay bánh cuốn đều là những món ăn ngon và mềm, dễ nhai nên bạn hoàn toàn có thể ăn 2 món ăn này khi đang niềng răng.
Tuy nhiên, không nên ăn những loại bánh mì quá dai và phải cắn xé nhiều trong giai đoạn mới tinh chỉnh niềng răng vì có thể làm tăng cảm giác đau hoặc làm rơi mắc cài.
Niềng răng có ăn trân châu được không?
Trân châu tuy có độ dẻo và dai nhưng không quá dai nên người niềng răng vẫn có thể ăn trân châu được. Với những loại trân châu có kích thước lớn có thể dễ dính vào mắc cài khi nhai, do đó, bạn nên cẩn thận hơn và vệ sinh sạch sẽ sau ăn để không bị sâu răng.
Niềng răng ăn bim bim được không?
Đang niềng răng có thể ăn bim bim được. Dù vậy, bim bim là loại thực phẩm có nhiều mảnh vụn tương tự như bánh quy hay bánh mì nên cũng dễ bị mắc vào kẽ răng, mắc cài, do đó, bạn cần vệ sinh cẩn thận ngay sau khi ăn. Bạn có thể sử dụng thêm máy tăm nước để làm sạch hiệu quả hơn.
Gợi ý thực đơn cho người niềng răng
Nếu còn đang băn khoăn lựa chọn món ăn phù hợp để xây dựng cho mình một thực đơn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày thì dưới đây sẽ là những món ăn gợi ý cho bạn. Những món ăn được chúng tôi lựa chọn theo tiêu chí: phù hợp với người niềng răng, dễ dàng vệ sinh sau ăn và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Món chính
– Súp gà: Món ăn có thành phần chính từ thịt gà đã được xé nhỏ kết hợp cùng các nguyên liệu dinh dưỡng khác như: nấm, trứng, ngô tách hạt, cà rốt. Cách nấu súp gà rất đơn giản, nguyên liệu đơn giản nhưng hương vị rất ngon, bổ dưỡng và đặc biệt là mềm rất phù hợp với người niềng răng.
– Cháo thịt băm: Bạn có thể dùng món ăn này cho bữa sáng và các bữa chính trong ngày, cháo sánh mịn kết hợp với chút thịt băm cho thêm phần dinh dưỡng.
– Trứng hấp thịt: Đây là một món ăn kết hợp giữa trứng và thịt, cùng một vài nguyên liệu khác tùy theo sở thích mỗi người. Trứng, thịt được trộn chung vào bát sau đó hấp chín từ 15-20 phút là có thể ăn được. Món này dùng để ăn với cơm rất ngon.
– Phở bò: Phở là một món ăn rất nổi tiếng của Việt Nam. Ngày nay, bạn không cần phải ra ngoài mới được thường thức được món phở mà có thể tự nấu ngay tại nhà nhờ có các gói gia vị bán sẵn. Sợi phở mềm, nước dùng ngọt, và những miếng thịt bò được thái mỏng sẽ là sự kết hợp hoàn hảo để tạo nên một bữa ăn nhiều dưỡng chất và vẫn đủ no.
– Canh rau củ thịt viên: Thịt viên được thêm vào món canh sẽ làm tăng độ ngọt cho nước dùng và thêm protein cho bữa ăn. Món ăn này có thể biến tấu rất đa dạng, bạn lựa chọn loại rau củ mà mình yêu thích để nấu thành canh, nêm nếm gia vị vừa miệng và thưởng thức cùng cơm. Lưu ý, rau củ nên được cắt nhỏ vừa ăn để nhanh chín và bạn cũng không cần phải cắn nhiều.
Món tráng miệng
– Trái cây: Một vài miếng trái cây sau bữa ăn sẽ là lựa chọn tốt nhất để kết thúc một bữa ăn ngon. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại trái cây khác nhau như: chuối chín, dâu tây, cam, bưởi, dưa hấu,…
– Sữa chua: Có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa và sự phát triển của xương. Bạn có thể kết hợp sữa chua với hoa quả để món ăn thêm thú vị.
– Nước ép hoa quả: Nếu đã chán với cách ăn hoa quả thông thường, bạn nên thử chuyển qua uống nước ép, bằng cách kết hợp nhiều loại hoa quả, loại rau khác nhau để cho ra một hương vị hoàn toàn mới.
– Bánh flan: Loại bánh này mềm và rất thơm ngon, dễ dàng mua được tại siêu thị hoặc tự làm ở nhà. Được bảo quản trong tủ lạnh nên món ăn này cũng rất mát, phù hợp với mùa hè khi kết hợp thêm trân châu, tàu hũ, dừa nạo hay nước cốt dừa…
Món ăn vặt
Nếu bạn là người ưa thích ăn vặt thì không nên bỏ qua những món ăn dưới đây:
– Chè: Một món ăn vặt truyền thống của Việt Nam và rất đa dạng tùy theo vùng miền, chủ yếu là sự kết hợp của các loại đỗ (như ở miền Bắc), các loại hạt (miền Trung) hay thêm trái cây và nước cốt dừa (miền Nam). Hơn nữa, những nguyên liệu được nấu nhừ sẽ rất phù hợp với người đang niềng răng.
– Xúc xích: Đây không chỉ là món ăn khoái khẩu của trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất thích. Bạn nên chọn xúc xích có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Về cách chế biến, chiên, luộc hay thêm vào các món ăn khác đều có thể tạo ra những món ăn ngon từ xúc xích.
– Thạch dừa: Thạch dừa có hình dạng màu trắng, mềm và mát. Thạch dừa thường được dùng như món tráng miệng hay thêm vào các thức uống, kem lạnh, chè, sữa chua để tăng hương vị thơm ngon cho món ăn.
Gợi ý thêm: Các món ăn vặt phù hợp cho người niềng răng
Như vậy, có rất nhiều món ăn ngon phù hợp với người niềng răng. Mong rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều gợi ý để lựa chọn cho các bữa ăn hàng ngày.