Chảy máu khi đánh răng là hiện tượng máu chảy ra từ chân răng hoặc kẽ răng trong quá trình chải răng. Chúng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả các yếu tố bệnh lý. Vậy chảy máu khi đánh răng có nguy hiểm không? Nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này là gì và khắc phục bằng cách nào?
Mục lục
Đánh răng bị chảy máu do đâu?
Chảy máu khi đánh răng diễn ra khá phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên toàn bộ khung hàm. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải hiện tượng này trong đời, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc chảy máu khi đánh răng:
Lông bàn chải đánh răng quá cứng
Việc sử dụng bàn chải đánh răng có phần lông quá cứng có thể khiến lợi (nướu) bị trầy xước, tổn thương trong quá trình chải răng, dẫn đến chảy máu.
Trong trường hợp này, chỉ cần bạn sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp, có phần lông mềm mảnh, tình trạng chảy máu khi đánh răng sẽ không còn.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Việc vệ sinh răng miệng kém, không thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng miệng, gây ra các bệnh lý như sâu răng, viêm lợi… dẫn đến chảy máu chân răng.
Đánh răng sai cách với thao tác quá nhanh, quá mạnh cũng là nguyên nhân khiến lợi bị tổn thương, chảy máu.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen sử dụng chỉ nha khoa sau khi đánh răng để loại bỏ mảnh vụn thức ăn và mảng bám ở những vị trí mà bàn chải đánh răng không thể làm sạch hiệu quả. Đây là một thói quen tốt. Tuy nhiên, nếu thao tác không cẩn thận, sai cách, chỉ nha khoa có thể khiến lợi bị tổn thương, chảy máu.
Tìm hiểu thêm: Cách dùng chỉ nha khoa đúng
Bệnh lý răng miệng
Tinh trạng chảy máu khi đánh răng có thể liên quan đến các bệnh lý răng miệng như:
Viêm lợi: Đây là bệnh lý răng miệng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ ai. Chúng xảy ra do sự tích tụ của vi khuẩn, mảng bám tại chân răng. Khi bị viêm, lợi sẽ trở nên nhạy cảm, sưng đỏ, kèm theo tình trạng máu khi đánh răng hoặc có những tác động khác.
Viêm nha chu: Trường hợp viêm lợi kéo dài, không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Lúc này, mô nướu sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, đồng thời cấu trúc xương cũng bị ảnh hưởng, giảm khả năng nâng đỡ răng, dẫn đến nhiễm trùng, chảy máu. Phần viền lợi bao quanh răng cũng vì thế mà tụt xuống, để lộ ra chân răng, làm răng bị lung lay, thậm chí mất răng.
Có thể bạn quan tâm: Bị viêm nha chu có niềng răng được không?
Áp xe răng: Là tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi vi khuẩn khu trú quanh răng bởi nhiều nguyên nhân như sâu răng, nứt răng và các bệnh lý khác… Chúng sẽ tấn công vào bên trong răng, tạo thành các túi mủ nhỏ, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức dai dẳng, sưng tấy ở chân răng và chảy máu khi đánh răng. Nghiêm trọng hơn, áp xe có thể lan ra mặt, tiềm ẩn nhiều biến chứng.
Ung thư khoang miệng: Đây là căn bệnh ác tính nguy hiểm với những biểu hiện sớm như chảy máu chân răng, sưng nướu, loét miệng và nổi hạch trong khoang miệng. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường, khiến nhiều người chủ quan nên chúng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn cho việc điều trị.
Thay đổi nội tiết tố ở nữ giới
Những thay đổi nội tiết tố ỡ nữ giới cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi đánh răng. Với nhiều người, đây có thể xem là dấu hiệu sớm của thai kỳ.
Điều này là do trong giai đoạn mang thai, cơ thể chị em sẽ gia tăng sản xuất hormone progesterone, làm tăng lượng máu lưu thông đến nướu, khiến nướu nhạy cảm và dễ bị chảy máu hơn bình thường.
Chế độ ăn thiếu hụt dưỡng chất
Chế độ ăn uống thường xuyên thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C và vitamin K cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu lợi khi đánh răng. Cụ thể:
- Vitamin C cần thiết cho sự phát triển, tái tạo các mô và củng cố xương – răng, hỗ trợ quá trình lành thương. Thiếu vitamin C làm giảm sức đề kháng, đồng thời khiến mô nướu lỏng lẻo, dễ tổn thương hơn.
- Vitamin K là yếu tố cần thiết cho quá trình đông máu. Thiếu vitamin K khiến máu khó đông hơn, làm tình trạng chảy máu kéo dài hơn thông thường.
Tác dụng phụ của thuốc
Chảy máu khi đánh răng có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Ví dụ như thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid và thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị ung thư…
Nếu tình trạng chảy máu khi đánh răng diễn ra thường xuyên trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để có biện pháp khắc phục hoặc điều chỉnh loại thuốc phù hợp.
Một số bệnh lý khác
Một số bệnh lý dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi đánh răng:
- Bệnh gan: Các bệnh lý như xơ gan, viêm gan… khiến chức năng gan suy giảm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình đông máu, dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng.
- Tiểu đường: Lượng đường trong máu cao có thể là nguyên nhân thúc đẩy phản ứng viêm trong cơ thể, làm xuất hiện nhiều tình trạng viêm nhiễm khác nhau, bao gồm cả viêm lợi, nha chu… gây chảy máu khi đánh răng.
- Sốt xuất huyết: Bệnh có thể gây rối loạn tiểu cầu, làm chảy máu chân răng, nhất là khi đánh răng. Đây cũng có thể xem là dấu hiệu nghiêm trọng của sốt xuất huyết.
- Một số chứng ung thư như ung thư đa u tủy, bệnh bạch cầu… có thể khiến lợi bị chảy máu nghiêm trọng.
Ngoài ra, các yếu tố như thói quen hút thuốc lá, chấn thương răng miệng… cũng có thể khiến ta bị chảy máu khi đánh răng.
Xem thêm: Nguyên nhân và cách xử lý chảy máu khi niềng răng
Đánh răng bị chảy máu nguy hiểm khi nào?
Như đã nói ở trên, chảy máu chân răng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm.
Theo đó, đánh răng bị chảy máu chỉ được xem là nguy hiểm khi xảy ra thường xuyên và khi lợi bị đau nhức, sưng đỏ trong thời gian dài hoặc xuất hiện mủ, có thể kèm theo sốt hoặc không.
Tình trạng này kéo dài không chỉ làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt mà còn có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, dẫn đến các vấn đề như răng lung lay, thậm chí mất răng.
Mặt khác, chảy máu thường xuyên khi đánh răng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong một số trường hợp như:
Phụ nữ có thai: Viêm lợi trong thai kỳ nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nha chu và làm tăng nguy cơ biến chứng sảy thai, sinh non…
Người mắc bệnh tiểu đường: Những tổn thương tại vùng lợi của người bệnh tiểu đường sẽ có xu hướng tiến triển nặng hơn do lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tấn công. Nếu không được điều trị kịp thời, răng của người bệnh có thể bị lung lay, mất răng. Trường hợp nghiêm trọng, những nhiễm khuẩn này cũng làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, suy thận, đột quỵ…
Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết khi tiến triển nặng sẽ gây chảy máu chân răng. Lúc này, sức khỏe và tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được can thiệp điều trị kịp thời.
Khắc phục tình trạng chảy máu khi đánh răng bằng cách nào?
Để khắc phục tình trạng chảy máu khi đánh răng bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
Lựa chọn bàn chải lông mềm
Việc sử dụng bàn chải không phù hợp, có phần lông thô cứng có thể khiến lợi bị tổn thương, chảy máu. Để làm sạch răng hiệu quả mà không gây tổn thương cho lợi, bạn nên lựa chọn các loại bàn chải có lông mềm, mảnh.
Ngoài ra, nên chọn bàn chải có kích thước phù hợp với khoang miệng và có phần tay cầm vừa vặn để việc vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn.
Đừng quên thay mới bàn chải đánh răng sau mỗi 3 tháng hoặc khi lông bàn chải có dấu hiệu xơ, mòn. Điều này sẽ giúp đảm bảo hiệu quả làm sạch của bàn chải, cũng như tránh những tổn thương không đáng có cho răng miệng.
Xem thêm: Đánh răng trước hay sau khi ăn sáng mới thực sự tốt?
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn, mảng bám một cách hiệu quả mà còn giúp hạn chế những tổn thương gây chảy máu. Cụ thể:
- Đánh răng nhẹ nhàng theo chuyển động vòng tròn, kỹ càng cả mặt ngoài, mặt trong. Với mặt nhai, nên chải kỹ theo hướng từ trong ra ngoài.
- Duy trì thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút.
- Thường xuyên vệ sinh vùng lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và giúp hơi thở thơm tho hơn.
- Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước và nước súc miệng để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa trong các kẽ răng…
Xem chi tiết: Hướng dẫn đánh răng đúng cách
Bổ sung dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt lành mạnh là một trong những việc cần thiết để bảo vệ và tăng cường sức khỏe răng miệng. Cụ thể:
- Ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất, thêm vào thực đơn các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin K và canxi… để giúp củng cố hệ miễn dịch và giúp răng lợi khỏe mạnh hơn.
- Hạn chế các thực phẩm có thể gây hại cho men răng và thúc đẩy phản ứng viêm như bánh kẹo ngọt, thức ăn nhanh, nước ngọt có ga…
- Uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi chất, cải thiện sức khỏe và làm sạch khoang miệng hiệu quả.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia.
- Dành thời gian thư giãn, tránh căng thẳng kéo dài…
Thăm khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng
Với các trường hợp chảy máu khi đánh răng có liên quan đến yếu tố bệnh lý, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị dứt điểm, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, đừng quên duy trì thói quen thăm khám răng miệng, lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để có hàm răng khỏe mạnh.
Kết luận:
Chảy máu khi đánh răng có thể là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại nhưng cũng có thể là yếu tố cảnh báo bệnh lý và tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng thường xuyên, kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định rõ nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.